Chăm sóc người bị sa sút trí tuệ

Date:

Tôi có thể giúp gì cho người thân bị Sa sút trí tuệ?

Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh của họ và những gì sẽ xảy đến khi bệnh tiến triển. Đây cũng là một ý tưởng tốt cho bạn, họ hàng và các thành viên khác trong gia đình để lập kế hoạch cho tương lai, trong khi người thân của bạn vẫn còn có thể tham gia vào những cuộc thảo luận.

Nếu người thân của bạn đang ở giai đoạn giữa của bệnh sa sút trí tuệ, hãy cố gắng cung cấp một môi trường an toàn và giữ một kế hoạch các công việc thường làm hàng ngày cố định. Bạn hãy đọc những lời khuyên dưới đây gợi ý về cách đối phó với những nhu cầu mới và cách xử lý một số vấn đề về hành vi thường xuất hiện ở người bị sa sút trí tuệ.

Chăm sóc người bị sa sút trí tuệ

Chăm sóc người già bị sa sút trí tuệ

Chăm sóc bản thân

Là một người chăm sóc cho người bị sa sút trí tuệ, đầu tiên bạn phải chăm sóc bản thân. Nếu bạn quá mệt mỏi và nản chí, bạn sẽ ít có khả năng giúp đỡ người thân của bạn. Nếu cần nghỉ ngơi, bạn hãy thử những điều sau đây:

  • Nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, và các tổ chức cộng đồng địa phương.
  • Tìm kiếm các nhóm chăm sóc hỗ trợ. Những người đang đối phó với các vấn đề tương tự có thể có những ý tưởng hay để bạn có thể đối phó tốt hơn và làm cho việc chăm sóc dễ dàng hơn.
  • Xem xét việc chăm sóc thay thế. Chăm sóc thay thế là chế độ chăm sóc ngắn hạn cho người bị sa sút trí tuệ để trợ giúp cho người chăm sóc. Chăm sóc thay thế có thể từ nhóm người cao tuổi tại địa phương hoặc cơ quan dịch vụ xã hội.
  • Xem xét các trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi. Họ có thể cung cấp cho người thân của bạn một môi trường phù hợp và cơ hội để hòa nhập xã hội.

Truyền thông

Bệnh sa sút trí tuệ sẽ thay đổi khả năng truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của người thân với bạn. Họ có thể không biết làm thế nào để nói với bạn những gì họ cần. Họ có thể không hiểu những gì bạn muốn khi bạn đưa ra một câu hỏi hay một yêu cầu. Điều này có thể làm bạn nản lòng nhưng những lời khuyên sau đây có thể giúp làm giảm căng thẳng và cải thiện giao tiếp:

  • Tích cực. Âm sắc của giọng nói và ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng. Kiểm soát nét mặt của bạn. Hãy nói chuyện một cách thân mật và sử dụng xúc giác để thể hiện tình cảm.
  • Rõ ràng. Thu hút sự chú ý của họ, sau đó nói chuyện một cách chậm rãi và điềm tĩnh. Sử dụng từ và câu đơn giản. Nếu cần thiết, lặp lại các thông tin hoặc câu hỏi cho đến khi họ hiểu được. Hãy hỏi các câu dạng có hoặc không. Tránh đưa ra các lựa chọn khi không có lựa chọn nào cả. Ví dụ, thay vì hỏi: “Anh có muốn đi ngủ không?”, hãy nói “Đã đến giờ đi ngủ“.
  • Nhận biết các cảm xúc. Nếu người thân của bạn buồn bã, giận dữ hay khó chịu, đừng phớt lờ các cảm xúc đó. Khi bạn cố gắng để đánh lạc hướng hoặc chuyển hướng họ, hãy để họ biết rằng bạn hiểu. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi có thể thấy là anh đang chán nản. Hãy đi dạo một vòng nhé“. Điều này xác nhận tình cảm của người đó và có thể giúp họ bình tĩnh lại.

Kích động

Người thân của bạn có thể trở nên kích động vì nhiều lý do khác nhau. Thông thường, một thay đổi đột ngột trong môi trường xung quanh hoặc những tình huống khó chịu có thể khiến người sa sút trí tuệ trở nên kích động. Chuyển đến một căn hộ mới hoặc nhập viện hay nhà an dưỡng thường có thể khiến họ lẫn lộn hoặc kích động. Ngay cả việc mặc quần áo hay trả lời sai một câu hỏi cũng có thể gây ra sự thất vọng. Phải đối phó với tình trạng lẫn lộn hoặc sự bất lực do sa sút trí tuệ gây ra cũng có thể làm họ kích động. Kết quả là họ có thể khóc, bức rức khó chịu hoặc cố làm tổn thương người khác bằng cách nào đó.

Để giúp giảm thiểu sự kích động từ người thân, hãy thử các cách sau:

  • Tránh tiếng ồn lớn và kích thích quá nhiều. Một môi trường yên lặng, dễ chịu với người và đồ vật quen thuộc giúp làm dịu nỗi sợ hãi và lo lắng.
  • Đặt các mong đợi ở mức thực tế. Việc mong đợi quá nhiều ở người thân của bạn có thể làm đôi bên thất vọng và bất hòa. Hãy để họ giúp bạn những công việc đơn giản, thú vị, chẳng hạn như chuẩn bị các bữa ăn, làm vườn, làm hàng thủ công, và sắp xếp những bức ảnh. Hãy cố gắng làm các công việc khác ít khó khăn hơn. Ví dụ, thay vì mong họ có thể tự mặc quần áo, bạn có thể để họ tự mặc một phần của trang phục đó (áo khoác chẳng hạn).
  • Giới hạn sự xuất hiện của những công việc khó khăn. Nếu một công việc đặc biệt khó khăn, hãy cố gắng hạn chế nó xảy ra thường xuyên. Ví dụ, nếu việc tắm rửa gây ra nhiều khó khăn, hãy để họ tắm cách ngày thay vì mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể sắp xếp những hoạt động khó khăn vào những thời điểm trong ngày mà họ có xu hướng ít bị kích động.
  • Tích cực. Thường xuyên khen ngợi người thân của bạn sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn, và nó cũng giúp bạn tốt hơn.

Vấn đề về giấc ngủ

Bệnh sa sút trí tuệ thường gây ra những thay đổi giấc ngủ. Người thân của bạn có thể thao thức hoặc đi lang thang vào ban đêm. Họ có thể nhầm lẫn giữa ngày và đêm, và cố gắng ngủ cả ngày. Hãy thử một hoặc nhiều điều sau đây nếu người thân của bạn đang gặp khó khăn khi ngủ:

  • Tạo thói quen. Cố gắng tỉnh táo vào buổi sáng và ngủ vào buổi tối một cách thích hợp.
  • Làm cho thời gian trong ngày rõ ràng. Cố gắng làm cho họ ý thức hơn về giờ giấc trong ngày. Đặt đồng hồ nơi họ có thể nhìn thấy. Giữ rèm cửa hoặc màn che mở để họ có thể biết khi nào là ban ngày và khi nào là ban đêm.
  • Hạn chế ăn vặt. Cố gắng kiểm soát lượng cà phê, đường, và đồ ăn vặt mà họ tiêu thụ.
  • Tập thể dục. Đảm bảo rằng người thân của bạn tập thể dục mỗi ngày (không quá gần giờ đi ngủ).
  • Giới hạn ngủ trưa. Nhiều giấc ngủ ngắn vào ban ngày có thể khiến họ không buồn ngủ về đêm.
  • Làm cho phòng ngủ yên tĩnh. Sẽ dễ ngủ hơn trong một căn phòng yên tĩnh. Vào ban đêm, để ánh sáng ban đêm hoặc ánh sáng mờ. Tối đen hoàn toàn có thể làm cho họ hoang mang.
  • Giảm đau. Nếu người thân của bạn bị viêm khớp hoặc một tình trạng đau đớn khác làm gián đoạn giấc ngủ của họ, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau ngay trước khi đi ngủ.

Đi lang thang

Đôi khi những điều rất đơn giản có thể giúp giải quyết vấn đề này. Người thân của bạn có thể đi lang thang trong một nơi an toàn, chẳng hạn như trong một sân có rào chắn. Bằng cách cung cấp một nơi an toàn, bạn có thể tránh các xung đột. Nếu bạn không thể cung cấp một nơi an toàn để họ lang thang, hãy thử những điều sau đây:

  • Khóa cửa ra vào. Nhắc nhở người thân của bạn không đi ra ngoài cánh cửa nào đó bằng cách đặt một dấu hiệu dừng lại trên đó hoặc đặt một mảnh đồ ở phía trước đó. Một dải băng cột ngang cánh cửa có thể là một lời nhắc nhở tương tự. Bạn cũng có thể thử “giấu” tay nắm cửa bằng cách đặt một mảnh vải trên nó.
  • Dùng một hệ thống báo động. Một hệ thống báo động sẽ cảnh báo bạn rằng người thân của bạn đang cố gắng rời khỏi một khu vực nhất định. Hệ thống báo động của bạn có thể chỉ là một vài lon rỗng gắn với tay nắm cửa.
  • Xem xét cài đặt ổ khóa đặc biệt. Bạn có thể phải đặt ổ khóa đặc biệt ở cửa ra vào nhưng lưu ý rằng khóa như vậy có thể nguy hiểm nếu xảy ra cháy nhà. Để chìa khóa gần cửa ra vào, và đảm bảo rằng tất cả các thành viên khác trong gia đình biết nơi tìm chìa khóa và cách nhanh chóng mở cửa. Không sử dụng phương pháp này nếu người thân của bạn ở nhà một mình.
  • Chắc chắn rằng người thân của bạn có thẻ nhận dạng. Đảm bảo rằng người thân của bạn đeo một chiếc vòng tay y tế với tên của họ, địa chỉ, số điện thoại, và các điều kiện y tế, trong trường hợp họ lang thang xa nhà hoặc bị lạc. Ngoài ra, xem xét việc mua một thiết bị kỹ thuật số sử dụng GPS (hệ thống định vị toàn cầu) để theo dấu tung tích của họ.

Ảo giác

Nếu ảo giác không làm cho người thân của bạn sợ hãi hay lo lắng, bạn không cần phải làm bất cứ điều gì. Tốt hơn là không nên chất vấn người bị sa sút trí tuệ về ảo giác của họ. Tranh cãi chỉ khiến họ khó chịu. Tuy nhiên, nếu là ảo giác đáng sợ hoặc khiến họ lo lắng, bạn hãy thử những điều sau đây:

  • Giữ căn phòng sáng. Điều này giúp giảm thiểu bóng tối.
  • Giữ vật dụng nguy hiểm ngoài tầm với. Đây là cho sự an toàn của bạn và các thành viên gia đình.
  • Giải thích đơn giản. Để giúp họ bình tĩnh, bạn có thể giải thích một cách đơn giản tại sao họ không cần phải sợ hãi nhưng không tranh cãi. Điều đó có thể khiến họ khó chịu nhiều hơn.
  • Thử đánh lạc hướng họ. Bạn có thể đánh lạc hướng họ bằng cách kéo họ vào một hoạt động thú vị.
  • Nói chuyện với bác sĩ. Nếu ảo giác nghiêm trọng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Thuốc có thể gíup họ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Share post:

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Phổ Biến

    Cùng Chủ Đề
    Tin Liên Quan

    Lợi khuẩn (Probiotics)

    Lợi khuẩn (Probiotics) là gì? Probiotics là các vi sinh...

    10 động tác tập cơ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

    Tại sao phải tập thể lực và tăng sức...

    12 cách giúp kiểm soát bệnh tiểu đường khi trời nóng, lạnh

    Giữ nước, tránh nắng nóng, tránh mắc cúm, kiểm...

    Cách chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ trước và sau sinh

    Nếu bị tiểu đường thai kỳ, thai phụ sẽ...
    Chat Messenger Chat Zalo