Người bệnh tiểu đường uống ít nhất 1,5-2 lít nước hằng ngày, chọn thức ăn lỏng… giúp cơ thể đào thải glucose (đường) thừa tốt hơn.
Nước là thức uống tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, nhất là khi cơ địa đang có mức đường huyết cao. Uống nước giúp bù nước cho máu trong lúc cơ thể loại bỏ glucose thừa qua đường tiểu. Khi nạp không đủ nước, cơ thể sẽ sử dụng các nguồn nước sẵn có khác như nước bọt, nước mắt. Thiếu nước cũng hạn chế quá trình đào thải glucose của cơ thể diễn ra tự nhiên.
Mất nước là tình trạng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc kháng insulin, đường có thể tích tụ trong máu. Thận sẽ phải làm việc nhiều hơn nên người bệnh thường đi tiểu nhiều hơn. Tập hợp các nghiên cứu về dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường tại các trường đại học Y tế (Mỹ) cho biết, hormone vasopressin sẽ tăng lên khi cơ thể mất nước. Đây là hormone góp phần gây tăng mức đường huyết và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bổ sung đủ nước giúp giảm dần các triệu chứng của bệnh lý. Lượng nước người tiểu đường cần uống theo khuyến nghị của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu là 1,6 lít (khoảng 8 ly 200 ml) đối với nữ giới và 2 lít (khoảng 10 ly 200 ml) đối với nam giới. Duy trì lượng nước cung cấp cho cơ thể giúp thận khỏe, giữ cho các cơ quan khác trong cơ thể khỏe mạnh, đồng thời ổn định lượng đường trong máu.
Bạn có thể thêm vài lát trái cây để tăng thêm vị cho nước như lát cam hoặc chanh, thêm quả mọng tươi hoặc quả tươi đông lạnh, kèm lát dưa leo hoặc các loại thảo mộc như bạc hà góp phần tăng thêm hương vị tự nhiên, không tăng calo hoặc carbohydrate. Người bệnh tiểu đường cũng nên uống một số thức uống dễ tìm như nước ép cà chua, cà rốt, cần tây, cải xoăn…
Bạn nên tự pha nước ép ở nhà để đảm bảo độ tươi tự nhiên. Các loại nước có hương vị, đóng chai có thể dễ gây tăng đường huyết bởi hàm lượng đường ẩn có sẵn trong thức uống. Người bệnh nên cẩn trọng, đọc nhãn bao bì và chọn thức uống phù hợp.
Món súp và món hầm là hai nhóm thực phẩm có lượng nước cao được khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường. Salad, ngũ cốc và các món xào với củ cải, dưa leo, cà rốt và các loại rau tươi khác cũng là bữa ăn giàu nước, thích hợp để đưa vào bữa ăn hằng ngày.
Trà đá là thức uống phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Bạn ủ trà xanh, trà thảo mộc, trà trái cây, không thêm đường rồi thêm đá. Các hợp chất có trong trà xanh còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe tổng thể khác.
Sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác cũng mang lại lợi ích trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cần phải nghiên cứu thêm để hiểu những tác động khác nhau của các sản phẩm từ sữa đối với cơ thể.
Bệnh nhân đang không uống đủ nước và cơ thể đang có mức đường huyết cao nên tránh uống nước ép trái cây. Thức uống này ít chất xơ, cung cấp carbohydrate nhanh cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Lúc này, bạn chỉ nên bù nước lọc và lắng nghe ý kiến của bác sĩ để tránh bệnh trở nặng.
Rượu bia, trà và cà phê là các thức uống dễ gây khát nước, dẫn đến dễ mất nước. Người bệnh tiểu đường nên cân nhắc về hàm lượng các thức uống này để đưa vào bữa ăn hằng ngày, duy trì lượng đường huyết ổn định.
Mai Trinh
(Theo Very Well Health, Diabetes)