Tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở người trẻ bị tiểu đường tăng so với bình thường và ở người tiểu đường type 2 thường cao hơn so với type 1.
Theo nghiên cứu gần đây của Trường Y khoa Mayo Clinic Alix (Mỹ), trẻ em và thanh niên mắc bệnh tiểu đường type 2 phải đối mặt với nguy cơ cao gặp các vấn đề về mắt. Các tác giả nghiên cứu đã theo dõi 525 người từ 22 tuổi trở xuống và phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh võng mạc trong vòng 15 năm đầu ở người bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 88% so với tiểu đường type 1. Nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường tiến triển trước tuổi dậy thì rất thấp. Độ tuổi trung bình chẩn đoán bệnh về mắt ở trẻ tiểu đường khoảng từ 12 tuổi trở lên.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Bệnh Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ, các yếu tố như tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động có thể làm tăng tỷ lệ tiểu đường type 2 ở trẻ em và thanh niên. Nghiên cứu của viện này vào năm 2021 trên 200 trẻ em và thanh niên chỉ ra, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc tiểu đường ở người tiểu đường type 2 là 9,1%, cao hơn tiểu đường type 1 (5,6%). Tỷ lệ này ở mức trung bình sau 8 năm chẩn đoán bệnh tiểu đường cho cả hai nhóm.
Tiến sĩ Jennifer K. Sun, Trường Y Harvard (Mỹ) dự đoán, các trường hợp người trẻ tuổi trên toàn cầu mắc tiểu đường type 1 sẽ tăng gần gấp ba lần và các trường hợp mắc tiểu đường type 2 sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050. Điều này sẽ kéo theo tăng rủi ro mắc bệnh về mắt và thay đổi các mục tiêu điều trị để duy trì thị lực ở thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Sun cho rằng, để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng ở mắt, trẻ em bị bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường type 2 cần kiểm tra mắt thường xuyên hơn trẻ khỏe mạnh. Phòng ngừa bệnh tiểu đường ở thanh thiếu niên cũng rất quan trọng, từ đó giảm thiểu nguy cơ mất thị lực khi còn trẻ. Khi đã mắc bệnh tiểu đường, các chiến lược can thiệp sớm để giảm thiểu tác động của các biến chứng, có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường. Kiểm soát đường huyết, huyết áp, cholesterol cũng giúp phòng ngừa các biến chứng tiểu đường.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)