Người bệnh 87 tuổi vào viện do suy thận, với đường huyết tăng gấp 4 lần bình thường, mới phát hiện mắc đái tháo đường, đồng nhiễm Covid-19.
Đầu tháng 3, ông Đặng Minh Hùng (Đà Nẵng) sốt cao, chóng mặt, da khô, khát nước liên tục, đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng không gắt, buốt. Sau đó, ông sốt, ho có đờm, uống thuốc nhưng không khỏi nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Kết quả chụp chiếu tại khu sàng lọc Covid-19 của khoa Cấp cứu cho thấy, người bệnh nhiễm nCoV. BS.CKI Đoàn Quốc Anh, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, mức đường huyết tăng cao đến 767 mg/dL (trong khi đường huyết sau ăn dưới 180 mg/dL) nhưng người bệnh không biết bị đái tháo đường, gây tổn thương thận cấp và bệnh càng diễn tiến nặng do mắc Covid-19.
Bác sĩ chỉ định bù nước điện giải, sử dụng insulin truyền tĩnh mạch. Ông được cách ly trong phòng riêng, hàng ngày có nhân viên y tế vào tiêm insulin, đo đường huyết; bác sĩ kiểm tra tim, phổi và nồng độ nCoV.
Nhờ cấp cứu và điều trị tích cực 24/7 bởi bác sĩ nhiều chuyên khoa, ông dần hồi phục, không biến chứng lên tim, phổi. Người bệnh không còn chóng mặt, đi tiểu bình thường, đường huyết ổn định, xét nghiệm Covid-19 âm tính nên được xuất viện vào ngày 6/3. Để kiểm soát đường huyết, người bệnh được dặn dò tái khám định kỳ, tăng cường tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột…
Con của ông Hùng cho biết, năm 2017, ông bị nhồi máu cơ tim nhưng không di chứng. Một năm sau, ông được mổ bắt cầu mạch vành. Từ thời điểm dịch bệnh đến nay, gia đình luôn hạn chế tiếp xúc tránh lây nhiễm nCoV cho ông nên rất bất ngờ khi ông mắc bệnh.
BS.CKII Trần Thùy Ngân (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, người bị đái tháo đường dễ mắc các bệnh hô hấp do hệ miễn dịch suy yếu trước vi khuẩn, virus… Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt, lượng đường trong máu tăng cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp, Covid-19… Viêm phổi ở người bệnh đái tháo đường có mức độ biến chứng cao, diễn tiến nặng, suy hô hấp nhanh, điều trị khó khăn và kéo dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị đái tháo đường viêm phổi có khả năng tử vong cao gấp 3 lần.
Khi mắc Covid-19 kết hợp với đường huyết cao, người bị đái tháo đường dễ chuyển nặng, rơi vào cơn bão cytokine, hội chứng suy hô hấp cấp, suy gan, suy thận, thần kinh… Nhiều trường hợp phải thở máy, điều trị kéo dài 2-3 tháng.
Theo bác sĩ Ngân, khám sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, điều chỉnh đường huyết ổn định. Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay chữa bệnh theo cách dân gian, đồng thời tái khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe tổng thể, chỉ số đường huyết. Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường trao đổi chất, tuần hoàn máu.
Nhằm cung cấp thông tin về bệnh đái tháo đường, biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Đái tháo đường nguy hiểm khi mắc bệnh hô hấp”. Chương trình phát lúc 20h ngày 9/3 trên fanpage VnExpress, có sự tham gia các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm BS.CKII Mã Thanh Phong, khoa Nội Tổng hợp; BS.CKII Trần Thùy Ngân và BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn. |
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.