Người bệnh tiểu đường nên uống đủ nước, duy trì mức đường huyết 100-200mg/dl khi tập thể dục, tránh quá sức dễ hạ đường huyết.
Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, giảm cân. Nếu người bệnh tiểu đường type 2 không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch, mắt, thận, thần kinh… Vận động đều đặn còn làm tăng độ nhạy insulin, bởi các tế bào sử dụng insulin để hấp thụ glucose (đường) trong máu. Vận động thường xuyên có thể hạ đường huyết kéo dài khoảng 24 giờ sau khi tập luyện.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM lưu ý người bệnh nên chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh các bài tập nặng vì làm tăng lượng đường trong máu sau khi tập, tăng nguy cơ gặp các biến chứng tim mạch. Chọn thời điểm thích hợp giúp tránh hạ đường huyết đột ngột hoặc tăng huyết áp phản ứng.
Tập các bài tập vào chiều tối, đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn sẽ tốt hơn. Người bệnh tiểu đường không nên tập vào buổi sáng sớm trước khi ăn sáng, lúc đang đói,… để tránh hạ đường huyết đột ngột. Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết như: chóng mặt, nhức đầu, run tay, đánh trống ngực… Lưu ý tập nơi thoáng mát, hạn chế vận động quá nhiều khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh, nếu tập ở ngoài trời nên mang theo áo chống nắng. Chọn giày thể thao phù hợp với từng bài tập giúp vận động thoải mái, tránh chấn thương.
Người bệnh tiểu đường có thể thực hiện một hoặc kết hợp các bài tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Nếu chưa tập thể dục thì bắt đầu với 5-10 phút mỗi ngày và tăng dần thời gian.
Lưu ý trước khi tập
Người bệnh nên uống 500-600 ml nước vào khoảng 2-3 giờ trước khi tập thể dục giúp tránh mất nước, giảm chuột rút, tăng cường lưu thông máu, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Trước 5 phút khi tập, cơ thể cần được khởi động với các bài tập nhẹ, giúp tăng dần nhiệt độ cơ thể, máu lưu thông tốt hơn, ngừa đau khớp, chuột rút… Chuẩn bị 4-5 viên kẹo hoặc 4-6 viên glucose hoặc 2 ống gel glucose để sử dụng giúp kiểm soát lượng đường trong máu do hạ đường huyết và nên mang theo điện thoại để dự phòng các tình huống nguy hiểm.
Người bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ đường huyết, duy trì ở mức 100-200mg/dl (5,5-11,1 mmol/l), nếu thấp hơn nên nghỉ ngơi, bổ sung kẹo hoặc nước trái cây. Người bệnh nên bắt đầu tập luyện với mức độ từ từ sau đó tăng dần để cơ thể thích ứng dần với bài tập. Ngừng tập nếu có các dấu hiệu bất thường như: choáng váng, ra mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, đau tức ngực hoặc bụng, kiệt sức…
Sau khi tập
Người bệnh nên kiểm tra đường huyết sau khi tập để lựa chọn được bài tập phù hợp với khả năng của cơ thể. Mức đường huyết vẫn nên duy trì trong khoảng 100-200 mg/dl (5,5-11,1 mmol/l). Thư giãn cơ để tăng lượng máu đến các cơ, tránh đau nhức cơ. Uống nước sau khi tập luyện để bù lượng nước bị mất do đổ mồ hôi, tăng cường lưu thông tuần hoàn, giảm tình trạng mỏi cơ.
Mai Hoa