Bệnh lý thần kinh đái tháo đường là một nhóm các rối loạn không đồng nhất với biểu hiện lâm sàng phong phú. Chẩn đoán sớm và quản lý thích hợp bệnh thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường là rất quan trọng.
- Bệnh lý thần kinh đái tháo đường là một chẩn đoán loại trừ. Bệnh lý thần kinh không do đái tháo đường có thể xuất hiện ở bệnh nhân đái tháo đường và có thể được điều trị
- Hơn 50% bệnh lý thần kinh ngoại biên do đái tháo đường không có triệu chứng
- Phát hiện và điều trị bệnh lý thần kinh tự động có thể cải thiện triệu chứng, giảm di chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên (DPN)
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 sau 5 năm chẩn đoán và tất cả các bệnh nhân đái tháo đường type 2 nên được đánh giá DPN bằng tiền sử và các test lâm sàng đơn giản. Các triệu chứng thường khác nhau phụ thuộc loại sợi thần kinh bị tổn thương. Các triệu chứng sớm như đau, rối loạn cảm giác thường do tổn thương các sợi nhỏ. Các tổn thương sợi lớn thường liên quan đến các triệu chứng như tê, mất cảm giác bảo vệ (LOPS). LOPS thường biểu hiện viêm đa dây thần kinh cảm giác xa và nguy cơ cho loét bàn chân đái tháo đường.
Các test thường được sử dụng để đánh giá chức năng sợi nhỏ, sợi lớn và cảm giác bảo vệ:
- Chức năng sợi nhỏ: Kim châm, nhiệt
- Chức năng sợi lớn: test rung, monofilament 10g
- Cảm giác bảo vệ: monofilament 10g
Tuy nhiên, cần chú ý các nguyên nhân gây nên bệnh lý thần kinh không do tiểu đường: ngộ độc, thuốc độc thần kinh, thiếu vitamin B12, bệnh thận, suy giáp, bệnh ác tính.
Bệnh lý thần kinh tự động do đái tháo đường
Các triệu chứng bệnh thần kinh tự động nên được chú ý cẩn thận qua quá trình hỏi bệnh thăm khám lâm sàng:
- Hạ đường huyết không được nhận biết
- Nhịp tim nhanh khi nghỉ
- Hạ huyết áp tư thế đứng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Đại tiện không tự chủ
- Rối loạn cương dương
- Bệnh lý bàng quang thần kinh
Bệnh lý thần kinh tự động tim mạch liên quan đến tỉ lệ tử vong độc lập với các nguy cơ tim mạch khác. Ở giai đoạn sớm, có thể hoàn toàn không có triệu chứng, chỉ được phát hiện qua giảm nhịp tim khi hít sâu. Ở giai đoạn sau, có thể liên quan đến nhịp tim nhanh khi nghỉ ngơi (> 100 l/p), hạ huyết áp tư thế đứng (Huyết áp tâm thu giảm > 20mmHg hoặc huyết áp tâm trương giảm > 10mmHg ở tư thế đứng mà không có tăng nhịp tim thích hợp).
Bệnh lý thần kinh tự động tiêu hóa có thể liên quan đến bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa, với biểu hiện bao gồm rối loạn chức năng thực quản, Liệt dạ dày, táo bón, tiêu chảy, đại tiện không tự chủ. Liệt dạ dày nên được nghi ngờ ở các bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết hoặc có triệu chứng đường tiêu hóa trên nhưng không giải thích được bằng nguyên nhân nào khác. Cần loại trừ các nguyên nhân cơ học làm tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc bệnh loét dạ dày. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán liệt dạ dày là đo độ rỗng của dạ dày.