Những khái niệm cơ bản về bệnh tiểu đường

Date:

Bệnh tiểu đường là gì? Bệnh tiểu đường có những loại nào?

Bệnh tiểu đường là một trong số các bệnh có liên quan đến các vấn đề về insulin. Insulin là một hormone được sản xuất từ tuyến tụy, là tuyến nằm phía sau và bên dưới dạ dày. Bình thường, tuyến tụy sản xuất ra insulin để giúp cơ thể dự trữ và sử dụng đường và chất béo từ thức ăn. Bệnh tiểu đường xảy ra khi:

  • Tuyến tụy không sản xuất được insulin
  • Tuyến tụy sản xuất rất ít insulin
  • Cơ thể không đáp ứng thích hợp với insulin, tình trạng này gọi là “kháng insulin”

Bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính, tức là bệnh không thể chữa khỏi được. Nhưng những triệu chứng và biến chứng của nó thường có thể kiểm soát được qua việc tuân thủ điều trị của bác sĩ. Hiện tại, bệnh tiểu đường vẫn chưa có thuốc điều trị. Người bệnh cần phải quản lý bệnh của mình để giữ sức khỏe tốt.

Vai trò của insulin trong bệnh tiểu đường

Để hiểu tại sao insulin lại quan trọng trong bệnh tiểu đường. Chúng ta cần tìm hiểu cách cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Cơ thể được tạo thành từ hàng triệu tế bào. Để tạo ra năng lượng, các tế bào này cần thực phẩm ở hình thức rất đơn giản. Khi bạn ăn hoặc uống, nhiều thực phẩm được phân hủy thành một loại đường đơn giản gọi là “đường đơn” (glucose). Sau đó, đường đơn sẽ được vận chuyển trong máu đến các tế bào của cơ thể, nơi nó có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng mà cơ thể cần cho các hoạt động hàng ngày.

Lượng đường trong máu được điều hòa nghiêm ngặt bởi hormone insulin. Insulin được tuyến tụy tiết ra thường xuyên ở một lượng nhỏ. Khi lượng đường trong máu tăng lên đến một mức nhất định. Tuyến tụy sẽ tiết ra insulin nhiều hơn để tăng sự hấp thu đường vào các tế bào. Điều này làm nồng độ đường trong máu hạ xuống.

Để giữ lượng đường trong máu không quá thấp (hạ đường huyết), cơ thể sẽ “báo hiệu” cho chúng ta ăn vào và phóng thích một lượng đường từ kho dự trữ trong gan.

Những người bị bệnh tiểu đường thường được phân làm hai nhóm lớn. Nhóm không tạo ra insulin hoặc nhóm có tạo ra insulin nhưng các tế bào của cơ thể đề kháng với insulin. Dẫn đến hiện tượng tăng mức đường lưu thông trong máu, hay cao đường huyết. Theo định nghĩa, bệnh tiểu đường là tình trạng mà mức đường trong máu cao hơn 126 mg/dL khi bụng đói qua đêm.

Phân loại bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường loại 1

Trong bệnh tiểu đường loại 1, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy (tế bào beta) bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch. Những người bị bệnh tiểu đường loại 1 không sản xuất được insulin và phải tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Bệnh tiểu đường loại 1 thường xuất hiện ở những người dưới 20 tuổi, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Bệnh tiểu đường loại 2

Không giống như tiểu đường loại 1, ở tiểu đường loại 2 cơ thể có thể sản xuất được insulin. Tuy nhiên, lượng insulin tiết ra hoặc là không đủ, hoặc cơ thể đề kháng với insulin. Khi không có đủ insulin hoặc insulin bị đề kháng, đường không thể được hấp thu vào các tế bào.

Bệnh tiểu đường loại 2 là dạng phổ biến nhất, ảnh hưởng tới gần 18 triệu người ở Mỹ. Mặc dù hầu hết các biến chứng của bệnh tiểu đường là có thể ngăn chặn được. Bệnh này vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa, cắt cụt chi không do chấn thương, và suy thận. Bệnh tiểu đường loại 2 thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và thừa cân, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người không thừa cân. Đôi khi còn được gọi là “bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn”, bệnh tiểu đường loại 2 đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn ở trẻ em vì sự gia tăng tình trạng béo phì ở lứa tuổi này.

Có thể quản lý bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn uống lành mạnh, và tập thể dục thường xuyên. Một số bệnh nhân có thể cần uống thêm thuốc giúp cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn, sử dụng insulin tốt hơn (cải thiện sự đề kháng insulin), hoặc tiêm insulin.

Thông thường, bác sĩ có thể xác định khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 trước khi bệnh thực sự xảy ra. Thường được gọi là “tiền tiểu đường”. Tình trạng này xảy ra khi mức đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để nhận chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra trong quá trình mang thai. Việc thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến tác dụng của insulin. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 4% thai phụ.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ là những người trên 25 tuổi, thừa cân trước khi mang thai, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc là người Tây Ban Nha, người da đen, người Mỹ bản xứ, hoặc người châu Á.

Sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ được thực hiện trong thời gian mang thai. Nếu không điều trị, bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả thai phụ và thai nhi.

Thông thường, mức đường trong máu trở lại bình thường trong vòng sáu tuần sau sinh. Tuy nhiên, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 về sau.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1 thường xảy ra đột ngột và có thể nặng. Chúng bao gồm:

  • Khát nước
  • Rất đói (đặc biệt là sau khi ăn)
  • Khô miệng
  • Đi tiểu nhiều
  • Sụt cân không giải thích được (ngay cả khi đang ăn và cảm thấy đói)
  • Mệt mỏi (yếu, cảm giác mệt mỏi)
  • Nhìn mờ
  • Khó thở, thở một cách nặng nhọc (kiểu thở Kussmaul)
  • Mất ý thức (hiếm)

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 cũng có thể giống như các triệu chứng được liệt kê ở trên. Thông thường, bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc các triệu chứng trên sẽ diễn tiến từ ​​từ. Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Chậm lành vết loét hoặc vết cắt
  • Ngứa da (thường là ở vùng âm đạo hoặc háng)
  • Nhiễm nấm
  • Tăng cân
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân
  • Liệt dương hay rối loạn chức năng cương dương

Làm thế để kiểm soát bệnh tiểu đường?

Hiện tại, bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nó có thể được kiểm soát. Các mục tiêu của kiểm soát bệnh tiểu đường là:

  • Duy trì mức đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt, bằng cách cân bằng lượng thức ăn với thuốc và vận động.
  • Duy trì lượng cholesterolvà mức triglyceride (lipid) trong máu gần giới hạn bình thường càng tốt. Bằng cách hạn chế thêm đường và tinh bột trong bữa ăn hàng ngày, giảm chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Kiểm soát huyết áp. Huyết áp không nên vượt quá 130/80 mmHg.
  • Làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường.

Quản lý bệnh tiểu đường bằng cách:

  • Lên kế hoạch ăn uống và theo một chế độ ăn hợp lý, cân bằng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Dùng thuốc đúng quy định (nếu có toa), và tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn
  • Kiểm tra đường huyết và huyết áp tại nhà
  • Tái khám định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ

Ghi nhớ: Những gì bạn làm mỗi ngày ảnh hưởng đến mức đường trong máu nhiều hơn những gì bác sĩ có thể làm trong thời gian khám sức khỏe cho bạn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Share post:

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Phổ Biến

    Cùng Chủ Đề
    Tin Liên Quan

    Chất béo chuyển hoá

    Chất béo chuyển hóa là gì? Chất béo chuyển hóa...

    Ca lâm sàng – Kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

    Giới thiệu Các trường hợp dưới đây minh họa giá...

    Tổng quan bảng đánh giá dinh dưỡng giản lược (MNA)

    Bảng đánh giá dinh dưỡng giản lược (MNA) là...

    Chăm sóc người bệnh gặp biến chứng tiểu đường gây loét da

    Bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính...
    Chat Messenger Chat Zalo