Thức khuya có thể khiến cơ thể sử dụng đường trong máu không hiệu quả, chất béo tích tụ nhiều hơn gây ra bệnh tiểu đường type 2.
Thức khuya có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính như béo phì, tiểu đường type 2, các vấn đề về khả năng sinh sản, rối loạn tiêu hóa và bệnh tâm thần.
Các nhà khoa học của Đại học Rutgers (Mỹ) thực hiện một nghiên cứu về chu kỳ giấc ngủ của 51 người trưởng thành trong 2 năm. Theo đó, người tham gia gồm nhóm 24 người đi ngủ sớm và dậy sớm vào buổi sáng, 27 người còn lại thức khuya. Kết quả công bố trên Tạp chí Experimental Physiology (Mỹ) năm 2022 cho thấy, những người thức khuya ít có khả năng sử dụng chất béo làm năng lượng, khiến chất béo tích tụ trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Cơ thể sử dụng đường (glucose) trong máu để các tế bào đốt cháy tạo ra năng lượng hoạt động hoặc dự trữ. Người ngủ sớm sử dụng glucose để tạo năng lượng hiệu quả hơn, cho phép tế bào sử dụng nguồn năng lượng này và sau đó đốt cháy lượng chất béo để dự trữ năng lượng. Ngược lại, thức khuya dẫn đến thừa đường trong máu và chất béo, tăng khả năng béo phì và nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Nghiên cứu cho thấy, ngủ sớm và dậy giúp cơ thể sử dụng hormone insulin tốt hơn để giảm lượng đường trong máu và có khả năng đốt cháy chất béo để lấy năng lượng nhiều hơn. Thức khuya gây kháng insulin, nghĩa là cơ thể cần nhiều insulin hơn để giảm lượng đường trong máu nhưng sản xuất không kịp gây đường huyết cao. Thời gian ngủ ít, thức khuya nhiều thường gặp ở người làm việc theo ca hoặc ban đêm.
Để ngăn ngừa tiểu đường type 2 và các bệnh mạn tính khác, mọi người nên ngủ đủ giấc, tránh sử dụng thiết bị điện tử, xem ti vi khi đi ngủ; để phòng ngủ tối và thông thoáng, nhiệt độ thích hợp; không ăn trước giờ lên giường 2 tiếng… Chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng phù hợp, tăng cường vận động và tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc và uống rượu giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)